Kỹ sư xây dựng (tiếng Anh: Construction Engineer) là người trực tiếp triển khai các công trình xây dựng theo đúng kế hoạch, tiến độ và chất lượng đã đề ra, từ khâu lên thiết kế, lập kế hoạch đến quá trình hoàn thiện, nghiệm thu đưa vào sử dụng và bảo hành công trình, đảm bảo sự an toàn trong suốt quá trình thi công công trình. Ngoài ra, kỹ sư xây dựng còn có trách nhiệm theo dõi kế hoạch ngân sách, quản lý tiến độ và truyền thông của dự án đang triển khai. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu rõ hơn về ngành Kỹ sư xây dựng qua bài viết này.
Các giai đoạn của một dự án công trình xây dựng
1. Khái quát công việc của một Kỹ sư xây dựng
Khi bắt đầu nhận dự án:
– Nghiên cứu, phân tích tính khả thi của thiết kế dự án cũng như các điều kiện có liên quan, đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật của công trình.
– Khảo sát mặt bằng thi công và các điều kiện xây dựng trước khi triển khai thi công.
– Đánh giá, phát hiện và đề xuất giải pháp với các rủi ro tiềm ẩn nếu có của dự án.
– Chuẩn bị các hồ sơ, giấy phép, tài liệu kỹ thuật liên quan, đảm bảo công trình được phép xây dựng đúng quy định.
Quá trình triển khai dự án:
– Chỉ đạo và giám sát, đảm bảo dự án xây dựng an toàn, đúng tiến độ.
– Chịu trách nhiệm kiểm tra chất lượng và số lượng vật liệu xây dựng sử dụng tại công trình.
– Giám sát toàn bộ quá trình thi công, hướng dẫn và khắc phục các vấn đề phát sinh, đảm bảo công trình được thực hiện đúng yêu cầu kỹ thuật.
– Theo dõi, đôn đốc tiến độ thi công, báo cáo định kỳ với ban giám đốc, chủ đầu tư, ban quản lý dự án và các bên liên quan.
– Đề xuất và thực hiện công tác mua sắm trang thiết bị, vật tư cho công trình; chịu trách nhiệm về khối lượng và hồ sơ thanh toán vật tư.
– Tính toán, kiểm soát khối lượng thi công, đảm bảo tuân thủ theo kế hoạch đã đề ra.
Thực hiện hồ sơ quản lý dự án và các công việc sau khi hoàn thành xây dựng:
– Phối hợp với các bên liên quan giám sát, chủ đầu tư để nghiệm thu công tác thi công theo hạng mục và công trình.
– Thực hiện các công tác chuẩn bị và quản lý hồ sơ chất lượng công trình theo đúng quy định.
– Quản lý việc sửa chữa, bảo trì, bảo hành công trình trong phạm vi công việc.
– Làm các hồ sơ thanh – quyết toán giữa các bên liên quan.
2. Các chuyên ngành cụ thể của Kỹ sư xây dựng
Xây dựng là một ngành lớn, bao gồm nhiều mảng và lĩnh vực khác nhau. Vì tính chất đặc thù của mỗi lĩnh vực cũng rất khác biệt nên việc đào tạo các kỹ sư chuyên môn cũng được chia ra nhiều chuyên ngành cụ thể, nhằm đáp ứng đúng mục đích và nhu cầu của từng dự án xây dựng.
Một số chuyên ngành kỹ sư xây dựng phổ biến có thể kể đến như:
– Kỹ sư xây dựng dân dụng và công nghiệp
– Kỹ sư xây dựng cầu đường/ giao thông
– Kỹ sư xây dựng công trình thủy lợi
– Kỹ sư xây dựng công trình cấp thoát nước
v.v…
Lĩnh vực xây dựng gồm nhiều chuyên ngành khác nhau
3. Điều kiện để trở thành một Kỹ sư xây dựng
Để trở thành một Kỹ sư xây dựng, ngoài các yếu tố về sức khỏe, điều kiện làm việc và sự yêu thích với nghề, bạn cần tốt nghiệp ngành xây dựng hoặc các ngành liên quan tại các trường có đào tạo chuyên ngành này.
Bên cạnh đó, để đủ điều kiện quản lý một công trình xây dựng, bạn còn phải có một số chứng chỉ hành nghề khác như: chứng chỉ an toàn lao động, chứng chỉ giám sát, chứng chỉ chỉ huy trưởng công trình (dân dụng, cầu đường, cấp thoát nước…).
Một số chứng chỉ quan trọng kỹ sư xây dựng cần có
Ngoài ra bạn còn phải đáp ứng những yêu cầu cần thiết khác như:
– Biết đọc bản vẽ và bóc tách bản vẽ.
– Sử dụng thành thạo các phần mềm liên quan đến thiết kế và xây dựng như AutoCAD, Civil 3D,…
– Có kỹ năng quản lý và giám sát dự án.
– Có kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm tốt.
– Có khả năng giải quyết các vấn đề phát sinh tại công trình.
– Quản lý thời gian tốt.
– Có thể làm việc độc lập và chấp nhận đi công tác xa.
4. Những thách thức của nghề Kỹ sư xây dựng
Nghề Kỹ sư xây dựng mang lại mức thu nhập tốt và nhiều cơ hội việc làm nhưng bên cạnh đó cũng tồn tại những khó khăn đặc thù.
Thứ nhất: tính chất công việc phụ thuộc vào dự án.
Công việc của Kỹ sư xây dựng phụ thuộc rất lớn vào dự án họ tham gia. Điều này có nghĩa họ thường xuyên phải di chuyển theo công trình và xa nhà. Mặt khác, thời gian công tác phụ thuộc hoàn toàn vào tiến độ công trình, đôi khi Kỹ sư xây dựng còn phải làm việc vào ngày cuối tuần hoặc lễ tết nên họ có rất ít thời gian bên gia đình. Bên cạnh đó, Kỹ sư xây dựng còn phải đối mặt với áp lực lớn về tiến độ và chất lượng công trình.
Thứ hai: điều kiện làm việc.
Để trở thành một Kỹ sư xây dựng, bạn cần phải có sức khỏe và sức chịu đựng tốt. Bởi điều kiện làm việc của các Kỹ sư xây dựng thường khắc nghiệt, chịu tác động của môi trường và thời tiết như nắng mưa, bụi bặm, giông bão hay ô nhiễm tiếng ồn…
Thứ ba: thiết lập và duy trì mối quan hệ.
Một Kỹ sư xây dựng thành công cũng cần phải duy trì tốt mối quan hệ với những con người xung quanh. Do tính chất công việc, bạn cần phải gặp gỡ và giao tiếp với nhiều người từ cấp trên, đồng nghiệp, cho đến chủ đầu tư, giám sát, thầu phụ, nhà cung cấp hay công nhân. Giữ mối quan hệ tốt cũng như cư xử hài hòa, uyển chuyển với các bên sẽ giúp ích rất nhiều cho công việc, giúp mọi việc có thể diễn ra một cách suôn sẻ và hiệu quả hơn.
5. Cơ hội nghề nghiệp trong ngành Xây dựng
Ngành Kỹ sư xây dựng được dự đoán sẽ còn nhiều cơ hội phát triển trong bối cảnh phát triển đô thị với tốc độ cao như hiện nay. Nhiều công trình được triển khai đồng nghĩa với nhiều cơ hội việc làm được mở ra cho các Kỹ sư xây dựng.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều Công ty xây dựng đang gặp phải khó khăn nên sự cạnh tranh cho vị trí Kỹ sư xây dựng cũng rất gắt gao. Vì thế, để tìm được cho mình một công việc phù hợp và hấp dẫn, các bạn cần phải tìm hiểu, biết nắm bắt cơ hội thật tốt.
Tham gia vào đội ngũ kỹ sư của Duc Hung Co
Với hơn 20 năm hình thành và phát triển, Duc Hung Co là một nơi làm việc lý tưởng để bạn thỏa niềm đam mê cũng như tìm kiếm một công việc ổn định. Hiện tại, Công ty đang tuyển dụng nhiều vị trí Kỹ sư xây dựng: Cầu đường/ Giao thông, Dân dụng & công nghiệp, Thủy lợi, Cấp thoát nước… Hãy nhanh tay nộp hồ sơ ứng tuyển và nắm bắt những cơ hội việc làm hấp dẫn tại đây nhé!
Để ứng tuyển, hãy gửi CV quá trình công tác của bạn vào email info@duchungco.com, hoặc liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua số điện thoại 028 3810 8702/ 695, bộ phận Tuyển dụng luôn sẵn sàng giải đáp các câu hỏi liên quan đến vị trí mà bạn quan tâm.
Tham khảo thêm các cơ hội việc làm khác của chúng tôi tại đây: https://duchungco.com/category/co-hoi-nghe-nghiep/
Duc Hung Co
“Your Trusted Companion”